Những ngân hàng nào được chấp thuận tăng vốn điều lệ. Thị trường Việt Nam 15/8
2022-08-15 11:35:13
more 
545
Những ngân hàng nào được chấp thuận tăng vốn điều lệ. Thị trường Việt Nam 15/8 © Reuters

– Thị trường Việt Nam khởi động tuần mới với các tin tức mới gì? Những ngân hàng nào được chấp thuận tăng vốn điều lệ. Xuất khẩu gỗ sang Mỹ và EU đối mặt nhiều khó khăn. Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về sở hữu tiền điện tử… Dưới đây là nội dung chính 3 tin tức mới trong phiên giao dịch hôm nay thứ Hai ngày 15/8.

1. Những ngân hàng nào được chấp thuận tăng vốn điều lệ

Trong nửa đầu tháng 8, hàng loạt ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ, qua đó bổ sung hàng chục nghìn tỷ đồng vốn hoạt động kinh doanh:

  • Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (HM:MBB) dự kiến phát hành thêm 755,6 triệu cổ phiếu mới, qua đó tăng vốn điều lệ từ hơn 37.700 tỷ đồng hiện tại lên trên 45.339 tỷ đồng. MBBank sẽ trở thành doanh nghiệp có quy mô vốn lớn thứ 5 trên sàn chứng khoán và là ngân hàng niêm yết lớn thứ 4 sau BIDV (HM:BID), VietinBank và Vietcombank (HM:VCB).
  • Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (HM:SHB) đã được chấp thuận thay đổi vốn điều lệ của ngân hàng lên 26.674 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng này đã hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn theo chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán, tương ứng với số cổ phiếu đã được Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) chấp thuận niêm yết bổ sung và đưa vào giao dịch trên thị trường. Dự kiến ngân hàng sẽ tiếp tục nâng vốn điều lệ lên mức 36.459 tỷ đồng trong năm nay để nằm trong top 3 nhà băng tư nhân lớn nhất về vốn.
  • Ngân hàng TMCP Phát triển T.P Hồ Chí Minh (HM:HDB) được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 20.273 tỷ đồng lên 25.503 tỷ đồng. Với trên 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ tăng thêm, HDBank dự kiến dùng 3.000 tỷ để bổ sung nguồn vốn cho vay trung dài hạn, phần còn lại sẽ được bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động khác.
  • NamABank cũng cho biết đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.900 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 1.230 tỷ đồng vốn tăng thêm được thực hiện qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và 370 tỷ đồng tăng thêm thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Trước đó, hàng loạt ngân hàng như Kienlongbank, SeABank, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (HM:TCB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (HM:ACB), Vietcapital Bank, OCB… đều đã được NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ.

2. Xuất khẩu gỗ sang Mỹ và EU đối mặt nhiều khó khăn

Tháng 7/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường số 1 Hoa Kỳ ước đạt 685,037 triệu USD, so với tháng 7/2021 giảm 18,53%. Cộng dồn 7 tháng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ ước đạt 5,561 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường lớn thứ hai Trung Quốc ước đạt 209,266 triệu USD, tăng 91,42% so với tháng 7/2021. Cộng dồn 7 tháng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước sang thị trường Trung Quốc ước đạt 1,158 tỷ USD, tăng 25,48% so với cùng kỳ năm 2021.

Đứng thứ ba là thị trường Nhật Bản, trong tháng 7/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang nước này ước đạt 180,027 triệu USD, tăng 39,68% so với tháng 7/2021. Cộng dồn 7 tháng đầu năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,025 tỷ USD, tăng 22,83% so với cùng kỳ năm 2021.

Đứng thứ tư là Hàn Quốc, tháng 7/2022 gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này ước đạt 71,386 triệu USD, so với tháng 7/2021 giảm 12%. Cộng dồn 7 tháng năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hàn Quốc ước đạt 602,149 triệu USD, tăng 12,66% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ năm là thị trường Canada, trong tháng 7/2022 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này ước đạt 20,557 triệu USD, so với tháng 7/2021 giảm 19,79%. Cộng dồn 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Canada ước đạt 154,142 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2021 giảm 1,63%.

Song, theo Cục Xuất nhập khẩu (XNK) - Bộ Công Thương, do đối mặt với tình trạng lạm phát đang gia tăng mạnh tại các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam là Mỹ và các nước EU, khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là đối với các mặt hàng không thiết yếu, dẫn tới nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm. Cùng với đó, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, đẩy giá xăng dầu tăng cao trong nửa đầu năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Do đó, chi phí của doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục tăng lên, ảnh hưởng đến giá bán và sức cạnh tranh của sản phẩm. Cục XNK dự báo xuất khẩu của ngành gỗ trong nửa cuối năm vẫn còn nhiều thách thức và khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD trong năm 2022.

3. Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về sở hữu tiền điện tử

Khoảng 6,1% dân số Việt Nam đang sở hữu tiền số, theo một báo cáo được công bố mới đây của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD). UNCTAD cũng cho biết việc sử dụng tiền mã hoá trên toàn cầu có xu hướng tăng mạnh trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát.

Như vậy, theo báo cáo của UNCTAD, Việt Nam có tỷ lệ dân số sở hữu tiền mã hoá cao thứ 11 trên thế giới, xếp ngay trên Thái Lan (5,2%). Tại Đông Nam Á, Singapore là quốc gia có tỷ lệ dân số sở hữu tiền mã hoá cao nhất ở mức 9,4% (cao thứ 4 trên thế giới). Năm ngoái, theo báo cáo chỉ số đón nhận tiền mã hoá toàn cầu của Chainalysis, Việt Nam đứng đầu trong danh sách các quốc gia có tỷ lệ đón nhận tiền mã hoá tích cực nhất.

Tuyên bố:
Nội dung bài viết này không thể hiện quan điểm của trang web FxGecko, nội dung chỉ mang tính chất tham khảo không mang tính chất tư vấn đầu tư. Đầu tư là rủi ro, hãy lựa chọn cẩn thận! Nếu có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến nội dung, bản quyền,… vui lòng liên hệ với chúng tôi và chúng tôi sẽ điều chỉnh trong thời gian sớm nhất!

Các bài báo liên quan

您正在访问的是FxGecko网站。 FxGecko互联网及其移动端产品是中国香港特别行政区成立的Hitorank Co.,LIMITED旗下运营和管理的一款面向全球发行的企业资讯査询工具。

您的IP为 中国大陆地区,抱歉的通知您,不能为您提供查询服务,还请谅解。请遵守当地地法律。